TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI CÁ NHÂN CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH TUYỂN SINH SINH VIÊN?
Bạn có chắc chắn 100% mình sẽ được nhập học sau khi nhận được thư mời từ trường không? Hãy cẩn thận với những gì bạn đăng trên MẠNG XÃ HỘI!
Mặc dù không thường xuyên, nhưng nếu cán bộ tuyển sinh kiểm tra tài khoản mạng xã hội cá nhân của học sinh thì điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định tuyển sinh của trường với ứng viên.
Với tỉ lệ chấp nhận sinh viên thấp duy trì ở một con số, Đại học Harvard là một trong những trường Đại học khó vào nhất với học sinh trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, có nhiều học sinh tài năng đã vượt qua những yêu cầu tuyển sinh khắt khe để được nhận vào ngôi trường mơ ước này. Tuy nhiên, những học sinh này lại nhanh chóng bị rút lại thư mời nhập học trước khi bước chân qua cánh cổng trường. Lý do họ không ngờ tới là những bài viết trên các trang mạng xã hội cá nhân không phù hợp.
Các chuyên gia cho biết, các trường Đại học muốn tìm kiếm những sinh viên không chỉ có thành tích học tập cao hay điểm các bài thi ấn tượng mà còn cần có nhân cách tốt.
“Khi xem xét các ứng viên, chúng tôi không chỉ tìm kiếm sinh viên cho các lớp học mà chúng tôi còn đang tìm kiếm các mảnh ghép phù hợp để là một phần của cộng đồng trường,” trích lời Bà Marilyn Hesser – Giám đốc tuyển sinh của trường Đại học Richmond (Virginia).
Trường Đại học Richmond sẽ xem xét các tài khoản mạng xã hội của ứng viên nếu ứng viên gửi kèm links đến các tài khoản này trong hồ sơ của họ, bà Hesser chia sẻ. Trong một trường hợp khác, nếu có một bên thứ ba, thường là vô danh, gửi các thông tin bất lợi cho ứng viên về ban tuyển sinh, cán bộ tuyển sinh cũng sẽ xem xét các tài khoản mạng xã hội của ứng viên.
Theo bà Hesser, mặc dù rất hiếm có trường hợp bị từ chối nhận học vì các bài viết trên mạng xã hội, việc này vẫn xảy ra ở trường Richmond và các trường Đại học khác trên khắp nước Mỹ.
Theo một khảo sát năm 2017 thực hiện bởi Hiệp hội Tuyển sinh Đại học Hoa Kỳ, 11% cán bộ tuyển sinh được khảo sát cho biết họ đưa ra quyết định từ chối ứng viên do các nội dung ứng viên đăng tải trên các trang mạng xã hội và 7% khác rút lại thư mời nhập học vì cùng lý do.
Liệu các trường Đại học có thật sự xem xét các tài khoản mạng xã hội của học sinh?
Một khảo sát được thực hiện bởi Kaplan Test Prep năm 2018 cho thấy 25% cán bộ tuyển sinh xem xét các tài khoản mạng xã hội của ứng viên.
“Tôi nghĩ rằng học sinh thật sự cần hiểu rằng quy trình tuyển sinh ở các trường Đại học, kể cả ở các trường Đại học lớn, vượt qua quy trình xét tuyển toàn diện cơ bản dựa trên các dữ liệu, thông tin học sinh cung cấp,” bà Judi Robinovitz – chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập Score At The Top Learning Centers & Schools ở Florida chia sẻ. Bà cho biết các trang mạng xã hội cho ban tuyển sinh đánh giá khía cạnh khác của học sinh.
Theo bà Hesser, nếu bộ hồ sơ Đại học có phần thông tin nào chưa rõ ràng, cán bộ tuyển sinh sẽ kiểm tra tài khoản mạng xã hội của ứng viên.
Cán bộ tuyển sinh thực sự đưa các tài khoản mạng xã hội vào một trong những yếu tố cân nhắc cho quyết định tuyển sinh, nhưng thực tế này đang giảm dần, một kết quả đáng lưu ý từ kết quả khảo sát của Kaplan Test Prep. Vào năm 2015, tỉ lệ các nhà tuyển sinh kiểm tra tài khoản mạng xã hội là 40%, đã giảm xuống 25% vào năm 2018. Theo khảo sát này, nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm là do các ứng viên đã thận trọng hơn trong các bài đăng trên mạng xã hội và chú ý hơn đến các vấn đề quyền riêng tư.
Theo bà Hesser, các trường Đại học không thực sự thu thập được nhiều thông tin từ mạng xã hội của ứng viên.
Tài khoản mạng xã hội là một yếu tố bổ trợ bên cạnh các yêu cầu tuyển sinh
Mặc dù các trường Đại học không thực sự kiểm tra các tài khoản mạng xã hội của học sinh, học sinh vẫn có thể thông qua mạng xã hội cung cấp thêm thông tin cho các trường.
“Chúng tôi mong muốn học sinh có thể xây dựng bộ hồ sơ điện tử để thể hiện các kỹ năng mềm của mình, ví dụ như kỹ năng lãnh đạo, khả năng hợp tác, quản lý thời gian, v.v. Hồ sơ điện tử được xây dựng để bổ trợ cho bộ hồ sơ hoặc resume của học sinh,” Ông Alan Katzman, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Social Assurity – tổ chức giáo dục đào tạo học sinh về khai thác sức mạnh của các kênh truyền thông xã hội – cho biết.
Ông Katzman so sánh mạng xã hội với một bài tiểu luận bổ sung, cho phép học sinh tạo ra các bộ hồ sơ sống động cung cấp cho các cán bộ tuyển sinh một góc nhìn khác về học sinh.
“Điểm hay của mạng xã hội đó là bạn không bị giới hạn trong 500 từ của một bài luận,” ông Katzman nói.
Tránh các vi phạm trên phương tiện truyền thông xã hội
Ông Katzman chỉ ra ba quy tắc quan trọng của mạng xã hội: Bạn không bao giờ là vô danh, các bài đăng không bao giờ biến mất, và bất cứ ai cũng có thể tìm thấy các bài đăng của bạn. Với ba quy tắc này, học sinh cần suy nghĩ cẩn thận trước khi đăng tải bất cứ thông tin gì trên tài khoản mạng xã hội của họ.
Các chuyên gia đồng ý rằng học sinh không nên đăng tải các nội dung kỳ thị bất cứ nhóm người nào, phân biệt giới tính hay tiềm ẩn các mối đe dọa.
“Các trường Đại học muốn xây dựng một cộng đồng an toàn và đa dạng. Nếu bạn thể hiện sự thù ghét với bất cứ nhóm người nào, đó là dấu hiệu báo động đỏ một vi phạm. Các trường sẽ không muốn nhận bạn”, ông Katzman chia sẻ.
Theo bà Hesser, trường Đại học Richmond cân nhắc các bài đăng trên mạng xã hội khi đánh giá quy tắc ứng xử của các sinh viên trong trường.
Robinovitz dặn dò học sinh của mình thử hình dung phản ứng của bà mình khi đọc được các bài đăng trên mạng xã hội của họ, liệu bà có buồn, tức giận hay xấu hổ không, trước khi đăng tải một nội dung nào đó.
Gửi đi các tín hiệu tích cực từ tài khoản mạng xã hội
Katzman nhận thấy giá trị của việc sử dụng mạng xã hội và khuyến khích học sinh tương tác với các trường trên nhiều nền tảng khác nhau.
Nhưng Katzman không khuyến khích học sinh đề cập đến các trường một cách suồng sã trên mạng xã hội. Ông khuyến khích học sinh suy nghĩ và cân nhắc kỹ khi tương tác với các trường trên các trang mạng. Học sinh có thể tạo lập các tài khoản mạng xã hội dành riêng cho mục đích tuyển sinh thay vì cho các mục đích cá nhân.
Nếu dự định sử dụng mạng xã hội để gây ấn tượng với ban tuyển sinh, học sinh cần có chiến lược, xác định được rõ những điểm mạnh họ muốn ban tuyển sinh thấy. Học sinh có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội theo các cách khác nhau để nhấn mạnh các kỹ năng và sở thích. Chẳng hạn sử dụng LinkedIn có thể là một cách hiệu quả để đề cập đến các hoạt động ngoại khóa, dự án và các hoạt động của trường. Tương tự, Instagram có thể sử dụng như một bộ hồ sơ điện tử, đặc biệt dành cho các bạn học sinh có xu hướng theo các ngành nghệ thuật trưng bày các tác phẩm của mình. Facebook có thể dùng để truyền tải thông tin về các hoạt động tình nguyện và cộng đồng, cuộc sống gia đình, hay trải nghiệm ở nước ngoài, v.v.
Thậm chí ngay cả khi đã được nhận được thư mời nhập học, học sinh vẫn cần suy nghĩ cẩn trọng trước khi đăng tải bất cứ nội dung gì trên các trang mạng xã hội.
Nguồn: https://www.usnews.com/
Các nội dung liên quan:
- Dịch vụ Hướng dẫn viết luận chuyên sâu - Hoàn thiện hồ sơ du học
- CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN VÀO ĐẠI HỌC DANH GIÁ “PAC HONOR”
- DỊCH VỤ TƯ VẤN THÀNH CÔNG HỌC TẬP VÀ ĐẢM BẢO DUY TRÌ HỌC BỔNG