[HƯỚNG NGHIỆP] TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC TẾ
Hướng nghiệp là lĩnh vực rất rộng. Và đối tượng của công tác hướng nghiệp cũng bao gồm nhiều nhóm người ở các độ tuổi khác nhau. Hướng nghiệp cho người trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học hoặc đã từng có công việc và muốn chuyển hướng công tác, hay hướng nghiệp cho người đã nghỉ hưu nhưng muốn có một công việc bán thời gian đều có đặc thù rất riêng. Nhưng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông rất quan trọng, vừa thách thức vừa đòi hỏi chuyên môn cao. Một phần vì các em ở tuổi này chưa thể chắc chắn mình muốn phát triển nghề nghiệp như thế nào trong tương lai xa, một phần nhu cầu định hướng của các em tập trung vào ngành học ở bậc tiếp theo, nên chưa thể định hướng hẹp như người đã đi làm. Ở Việt Nam giáo dục hướng nghiệp phổ thông đã được chú trọng hơn và hoạt động hướng nghiệp định hướng phân luồng sớm, trải nghiệm ngành nghề kỹ thuật đang được thực hiện tương đối tốt. Nhưng đối với nhóm học sinh có nhu cầu học đại học, đặc biệt là đại học quốc tế và du học thì công tác này chưa đáp ứng được nhu cầu cá nhân của học sinh. Hướng nghiệp đối với nhóm này phải kết hợp với định hướng ngành học ở bậc đại học, và có thể hướng đến thị trường lao động quốc tế. Học đại học quốc tế hay du học là một khoản đầu tư lớn của gia đình, nên những sự kiện hướng nghiệp như ngày hội hướng nghiệp hay các bài học hướng nghiệp trong chương trình phổ thông chưa thể giúp các em chọn được ngành học phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân. Hiện có khá nhiều đơn vị hướng nghiệp độc lập ở Việt Nam với mô hình khá giống nhau, cùng dựa trên những lý thuyết cơ bản trong hướng nghiệp. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế và khả năng đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng học sinh là một khoảng cách không hoàn toàn dễ bắc cầu.
Trong khuôn khổ bài này, tôi sẽ tập trung vào hướng nghiệp định hướng ngành học và nghề nghiệp cho nhóm học sinh muốn du học. Các đơn vị hướng nghiệp khá đồng nhất trong việc sử dụng các công cụ và các bước hướng nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào hiệu quả với từng học sinh không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết hay giảng giải lý thuyết cho các em.
1. HIỂU BẢN THÂN
Đây là bước đầu tiên trong hướng nghiệp. Các đơn vị hướng nghiệp đều sử dụng các bài trắc nghiệm tính cách như 16 Personalities (theo lý thuyết của Briggs-Mayer) và trắc nghiệm sở thích như Interest Profiler (theo lý thuyết Holland). Các bài trắc nghiệm này có nhiều phiên bản miễn phí, ai cũng có thể tìm để làm. Bản miễn phí thường ngắn gọn hơn, nhưng công thức vẫn thế. Các bài miễn phí thường chỉ cho kết quả ngắn gọn và một phần giải thích các khái niệm, thuật ngữ được dùng. Kết quả có thể gắn luôn với một số mảng nghề nghiệp phù hợp hay một danh mục nghề nghiệp. Bài có phí thường dài hơn, nhiều câu hỏi tình huống hơn, và kết quả có phân tích kỹ hơn. Tuy nhiên phần kết quả vẫn mang tính khái quát theo nhóm tính cách và nhóm sở thích, và để hiểu sâu được vì sao kết quả trắc nghiệm của mỗi người lại gắn với danh mục nghề nghiệp đó thì không phải ai cũng làm được, và nhiều khi cần đến cố vấn hướng nghiệp có chuyên môn giúp các em.
Các em làm xong bài trắc nghiệm nhiều khi cũng chỉ có được câu “biết vậy” hay “rồi giờ sao?”
Nhưng hiểu bản thân là một quá trình. Làm bài trắc nghiệm vẫn mang tính đại trà. Cùng ra một kết quả na ná nhau, nhưng mỗi học sinh là một cá thể, có năng lực cụ thể khác nhau, có một hoàn cảnh gia đình khác, và có những cơ hội học tập khác. Hướng nghiệp hiệu quả không thể chỉ dùng các bước đại trà, mà bắt buộc phải có các bước cá nhân hóa. Tức là cố vấn hướng nghiệp phải ngồi lại với từng học sinh, từng gia đình tối thiểu vài lần trong một khoảng thời gian tương đối để cùng tìm hiểu nhu cầu cá nhân của học sinh và lên sơ đồ hướng nghiệp dành riêng cho bạn đó. Hai bạn cùng có chỉ số sáng tạo nghệ thuật cao, nhưng một bạn sáng tạo về tư duy không gian và một bạn sáng tạo về tư duy ngôn ngữ sẽ phát huy thế mạnh của mình ở những lĩnh vực rất khác nhau. Cùng thích tham gia nhạc kịch, nhưng bạn thích diễn vai chính, bạn chỉ thích tổ chức hậu trường sân khấu. Cùng học giỏi Toán, nhưng có bạn giỏi Toán học thuần túy (giải tích, đại số, hình học, phương trình, chuỗi v.v.) nhưng có bạn rất giỏi Toán ứng dụng (xác suất, thống kê, phân tích dữ liệu, lập mô hình, v.v.). Chưa kể nhiều bạn có những khả năng và sở thích kết hợp. Ví dụ, nếu bạn học giỏi khoa học, nhưng lại có khả năng ngôn ngữ cao, thích làm việc trong môi trường năng động, thì phải định hướng đến những mảng công việc có thể giúp bạn phát huy được tất cả các năng lực đó mới tối ưu. Ngược lại, ở tuổi này tính cách của các bạn chưa hoàn toàn định hình, nhiều bạn có những sở thích khá mạnh nhưng nhất thời chủ yếu do ảnh hưởng của phong trào, của mạng xã hội, nay thích idol này, mai thích oppa khác, nhiều khi quyết định đi học trường nọ kia chỉ vì bạn trai/bạn gái đi học ở đó. Khi năng lực thực sự của bạn không khớp với sở thích, thì người tư vấn phải nhận ra những yếu tố bẩm sinh (nature) và những yếu tố xã hội (nurture) để tư vấn phù hợp.
2. HIỂU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Trong bước thứ hai, học sinh nên xác định liệu khi học xong, mình có muốn có kinh nghiệm việc làm tại nơi học hay không, muốn về nước làm, hay ở lại xin việc. Thị trường lao động mỗi nước mỗi khác, nhưng không phải không có điểm chung. Ai là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Việt Nam, ở lĩnh vực kinh tế nào? Khu vực nào đang thiếu nhân lực bậc cao nhiều nhất? Thiếu nhân lực với bộ kỹ năng như thế nào và có bằng cấp ở ngành đào tạo nào? Mức lương trung bình của các nghề nghiệp khác nhau như thế nào? Một số trang web hữu ích cho việc nghiên cứu trả lời các câu hỏi này như Linkedin, Navigos, Alphabe, v.v. có thể dùng như những công cụ ban đầu. Với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, v.v. thì thường có rất nhiều nguồn dữ liệu thống kê từ các tổ chức độc lập hay từ chính phủ. Nhưng các câu hỏi định hướng để giúp các em tìm hiểu thị trường lao động mình muốn hướng đến thì không thay đổi. Tất nhiên, việc tự tìm hiểu thị trường lao động với các em và ngay cả khi có sự giúp đỡ của cha mẹ, cũng rất khó và mất nhiều thời gian. Trừ khi các bạn học về và tiếp quản công ty của gia đình hoặc một số ít học sinh phổ thông có năng lực vượt trội về 1 lĩnh vực và xác định rất sớm mong muốn nghề nghiệp của mình, đa phần phải có sự kiên trì và nghiêm túc trong việc tìm hiểu thị trường lao động. Cha mẹ có thể giúp các con hiểu về nghề nghiệp trong lĩnh vực làm việc của mình, nhưng sẽ làm thế nào nếu con không muốn theo đuổi nghề giống mình? Hoặc giả sử con muốn làm nghề trong cùng lĩnh vực nhưng ở một nước khác, thì tìm kiếm thông tin thế nào? Chưa kể thông tin về thị trường lao động vừa khó hình dung với các em vừa nhàm chán. Tôi luôn phải thiết kế các bài học nhỏ, ngắn, thú vị về các ngành nghề khác nhau, đôi khi kèm video về môi trường làm việc, hoặc những thông tin hiếm khi các nguồn chính thống cung cấp, như “khi bác sỹ không trực ca, họ làm gì?”, hay “khi kỹ sư viết báo cáo", hay “vì sao nhà báo cần giỏi cả Toán", hay “những khúc cua sự nghiệp" v.v. Để các em hiểu rằng, tên hay chức danh một nghề nghiệp không thể nói hết bản chất công việc hay môi trường làm việc của công việc đó. Từ đó các em có cái nhìn sâu sắc và mở rộng hơn về công việc và thị trường lao động và tính chất thay đổi nhanh chóng của việc làm ở thời đại công nghệ này.
3. HIỂU NGÀNH HỌC VÀ CÁC CƠ HỘI HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC
Sau khi hướng đến một số lĩnh vực kinh tế hay một số khu vực việc làm tương đối phù hợp và hấp dẫn với các em, bước thứ 3 sẽ mất thời gian nhất nhưng cũng gắn liền với quá trình chuẩn bị hồ sơ/thi vào đại học của các em. Các bạn sẽ phải tìm hiểu lĩnh vực kinh tế bạn muốn tham gia đó đòi hỏi nhân lực có chuyên môn và kỹ năng như thế nào? Chuyên môn đó được đào tạo theo ngành nào, ở những đại học nào? Chương trình đào tạo chi tiết gồm những gì? Trong quá trình học có cơ hội thực tập ra sao? Trường đại học hỗ trợ trong công tác hướng nghiệp như thế nào? Trường có cơ sở ở thành phố nào, liên kết với những công ty tuyển dụng nào? Bao nhiêu % sinh viên theo học ngành đó đi thực tập và tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trong vòng sáu tháng? Nếu là đại học nước ngoài, vấn đề visa cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khó khăn gì không? Chính sách thu hút lao động bậc cao của nước sở tại như thế nào trong vòng 5-10 năm tới? Tất cả các câu hỏi này đều rất quan trọng khi các bạn bắt đầu tìm hiểu ngành học và trường đại học. Học sinh tôi thường phải làm một số bài tập được thiết kế chi tiết để các bạn có thể tự tìm câu trả lời cho mình. Có một quan niệm phổ biến khá hạn hẹp là nếu học một ngành và ra trường không làm việc trực tiếp liên quan đến ngành đó là phí phạm vì học trái ngành. Nhưng thế nào là trái? Và nếu trái thì có phải hoàn toàn lãng phí? Có thể tránh tuyệt đối việc học trái ngành không khi mà có khi từ khi bạn vào trường đến lúc ra trường mọi thứ đã thay đổi chóng mặt? Cố vấn có chuyên môn và kinh nghiệm trong hướng nghiệp luôn hiểu rằng, mối quan hệ giữa ngành học và cơ hội việc làm là tương đối và hữu cơ. Đối với những nghề đòi hỏi chuyên môn sâu và hẹp thì chỉ có những người được đào tạo về ngành đó mới thực hiện được công việc của ngành. Ví dụ muốn trở thành bác sỹ, bạn bắt buộc phải học y khoa, muốn làm kế toán, phải được đào tạo về nghiệp vụ kế toán. Nhưng chiều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng. Bạn học xong ngành y không nhất thiết phải theo đuổi nghề y hết đời hay bạn học xong ngành kỹ sư, không nhất thiết phải đi làm kỹ sư. Mặc dù không theo đuổi ngành nghe có vẻ lãng phí thời gian đào tạo, nhưng sự phát triển của nhu cầu tuyển dụng có thể nảy sinh những nghề yêu cầu cả kiến thức chuyên môn của bạn kết hợp với một nghiệp vụ khác và bạn có thể thay đổi sự nghiệp mà vẫn sử dụng được chuyên môn. Ví dụ những cố vấn chính sách y tế đều phải từng là bác sỹ, nhưng khi trở thành cố vấn, họ không còn nhất thiết phải làm việc ở bệnh viện. Hoặc kỹ sư thiết bị âm thanh có thể làm việc cho một xưởng phim trong bộ phận hậu kỳ. Vì thế việc học sâu chuyên môn về một nghề cần phải kết hợp với đạo những kỹ năng mềm phổ quát (stransferrable skills) để khi ra trường bạn có thể làm được một số công việc khác nhau ở một vài lĩnh vực khác nhau.