Tám lời khuyên giúp bạn học tập hiệu quả
Đối với mọi sinh viên, một trong những việc quan trọng nhất chính là học cách học tập sao cho hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy, có tới 33% số sinh viên năm thứ nhất không biết các học tập hiệu quả.
By Patricia Gorden Neill
Đối với mọi sinh viên, một trong những việc quan trọng nhất chính là học cách học tập sao cho hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy, có tới 33% số sinh viên năm thứ nhất không biết các học tập hiệu quả. Điều này có nghĩa những sinh viên này khi làm bài tập hay ôn tập trước kì thi sẽ không có khả năng áp dụng tốt nhất những kiến thức đã học. Thật không may là có khá nhiều sinh viên không nhận ra việc mình đang học tập không hiệu quả, thậm chí còn giả định sai lầm rằng những thói quen học tập hình thành từ thời phổ thông sẽ giúp họ vượt qua cửa ải học hành ở bậc cao đẳng, đại học. Một dấu hiệu nhận biết đó là nếu các bài kiểm tra đầu tiên làm không tốt, chứng tỏ sinh viên đó có thể chưa biết cách học tập hiệu quả ở bậc học sau phổ thông. Vậy giải pháp ở đây là gì? Tốt nhất, bạn phải chạy ngay đến trung tâm hỗ trợ học thuật của nhà trường, đăng kí tham gia một hội thảo hoặc lớp học hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả ở bậc cao đẳng, đại học.
Dưới đây, chúng tôi đã tập hợp một số lời khuyên nhằm giúp sinh viên có định hướng đúng đắn trong việc học tập

1. Dành đủ thời gian:
Việc phân chia thời gian phù hợp cho việc học tập chiếm vị trí trung tâm. Tương ứng với mỗi giờ học trên lớp, bạn sẽ cần dành từ hai tới ba giờ cho việc tự học. Trái với bậc học phổ thông với số giờ lên lớp từ năm tới sáu tiếng, ở bậc học sau phổ thông có thể bạn chỉ lên lớp ba tiếng một tuần nhưng việc học tập lại diễn ra chủ yêú ngoài lớp học. Việc tự học như thế hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách mỗi người tự sắp xếp, dành thời gian phù hợp.
Với môn học 15 tín chỉ một học kì, bạn sẽ cần dành ra từ 30 tới 45 giờ học mỗi tuần! Đúng là cần rất nhiều thời gian nhưng như thế mới đủ để việc học tập ở cao đẳng đại học đạt hiệu quả cao!
2. Đặt ra các hạn định nhỏ:
Bạn phải kiểm tra thời khoá biểu và lịch thi cử, nộp bài. Chẳng hạn, đối với một bài luận bạn phải chia nhỏ thời gian và lên lịch cho từng tuần cụ thể trước khi đến hạn chót nộp bài; đặt ra lịch cụ thể cho việc nghiên cứu tài liệu và viết từng phần nhỏ. Bằng cách đó, bạn yên tâm là mình đã chuẩn bị đầy đủ cho việc đạt điểm A.
3. Thường xuyên nghỉ giải lao:
Nghiên cứu cho thấy người ta chỉ có thể tập trung cao độ khoảng 45 phút liên tục. Sau đó, con người sẽ trở nên mệt mỏi và thiếu tập trung. Vì thế, bạn hãy lên lịch học sao cho cứ sau 45 phút học tập trung thì nghỉ giải lao từ 10 đến 15 phút là phù hợp để học có hiệu quả nhất.
4. Học chủ động:
Học ở bậc đại học cao đẳng đòi hỏi sinh viên phải chủ động. Bạn không thể chỉ hoàn thành các bài đọc rồi cứ để đó. Bạn phải đọc một cách tích cực chủ động, chẳng hạn bằng cách gạch chân ý chính, ghi chú, đặt câu hỏi về chính những nội dung vừa đọc. Ngoài ra, phải kết nối những kiến thức vừa học tuần này với kiến thức học từ tuần trước để biến nó thành một khối kiến thức liên kết với nhau. Việc đọc chủ động và ghi chú sẽ khiến bạn trở nên toàn tâm toàn ý và tập trung suy nghĩ vào việc học tập hơn. Làm mọi bài tập về nhà, kể cả các bài không được chấm điểm cũng là một hành động chủ động trong học tập.
5. Đi học đầy đủ:
Đặt mục tiêu không nghỉ một buổi nào và cố gắng hoàn thành mục tiêu đó. Áp dụng nguyên tắc học chủ động: ngồi phía trên, ghi chú, đặt câu hỏi và tham gia thảo luận tích cực. Việc học tập hiệu quả đòi hỏi bạn phải tham gia tích cực, dành tâm trí cho nó.
6. Trợ giúp ngoài lớp học:
Nếu có gì đó không hiểu, hãy đến gặp giáo viên và đề nghị giúp đỡ. Hầu như mọi giáo viên đều thích làm việc với sinh viên và sẵn lòng giúp đỡ khi cần. Hơn nữa, đến hỏi bài giáo viên sẽ giúp bạn hiểu bài hơn và biết đâu việc này có thể mang tới mối quan hệ có ích cho bạn. Vì thế, đừng xấu hổ. Đơn giản là bước tới và gõ cửa. Có thể có những cơ hội học hỏi thêm bên ngoài lớp học khác nữa như hội thảo hay các giờ học thêm. Bạn hãy tận dụng điều đó.
7. Vạch ra đề cương cho một môn học
Việc này sẽ giúp bạn tập hợp và sắp xếp tài liệu học tập của môn học đó được ngăn nắp, hợp lí và có liên kết. Việc vạch ra đề cương môn học cũng giúp bạn ghi nhớ bài dài hạn, thay vì ghi nhớ ngắn hạn từng mục nhỏ.
8. Kiểm tra kiến thức của mình
Tự làm các bài kiểm tra trong sách giáo khoa với hạn thời gian và nghiêm túc như thi thật. Chính việc suy nghĩ, lục lọi nhớ lại thông tin để trả lời câu hỏi trong bài kiểm tra rồi viết nó ra giấy giúp bạn neo kiến thức sâu hơn trong trí nhớ của mình. Một trong những điểm chủ chốt của việc tự học chính là tự làm các bài kiểm tra. Ôn tập và tự kiểm tra kiến thức đã học thường xuyên, thay vì đợi nước tới chân mới nhảy.
Hãy sử dụng những lời khuyên nhỏ hữu ích này để học đúng cách ngay từ đầu. Việc đọc, ghi nhớ, rồi nhồi nhét chỉ một vài đêm trước kì thi không bao giờ có hiệu quả. Đối với việc học tập ở bậc cao đẳng đại học, bạn phải thực sự chú tâm và tham gia chủ động vào quá trình học tập, tìm hiểu tài liệu. Chúng tôi hi vọng rằng điều này sẽ giúp bạn đi đúng đường và biến những ngày học tập của bạn trở thành thành công trong tương lai.
Nguồn: http://www.academicinfo.net/campus-life/eight-tips-for-successful-studying