CÁC BÀI VIẾT TRONG HỒ SƠ ĐẠI HỌC

CÁC BÀI VIẾT TRONG HỒ SƠ ĐẠI HỌC

CÁC BÀI VIẾT TRONG HỒ SƠ ĐẠI HỌC


 


Hơn 10 năm làm cố vấn giáo dục đại học, năm nào tôi cũng phải hướng dẫn hàng chục bạn trẻ chuẩn bị hồ sơ đại học vào rất nhiều trường đại học ở nhiều quốc gia khác nhau. Rất nhiều khi các bạn nộp hồ sơ vào nhiều nước cùng một lúc và bao giờ cũng khúc mắc nhất ở khâu viết luận. Các bài viết luôn là trung tâm của bộ hồ sơ, thể hiện tư duy và quyết tâm thành công của các bạn, và tùy vào hệ thống mà có tầm quan trọng khác nhau. Trong bài này tôi sẽ tổng kết một số điểm tương đồng và khác biệt giữa các bài viết của một số hệ thống đại học phổ biến nhất.

1. Bài luận đại học Mỹ - College Essay

Tôi đã có một bài rất kỹ về bài luận của hồ sơ đại học Mỹ, nhưng ở đây tôi muốn nói thêm một chút về bài luận này. Với hồ sơ đại học Mỹ, bài luận chính chỉ là một trong rất nhiều bài viết thí sinh phải thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Tất nhiên cũng tùy trường đại học mà yêu cầu về các bài viết khác nhau. Các trường bang, trường công thường yêu cầu hồ sơ đơn giản hơn, và cũng không đòi hỏi thí sinh phải viết gì thêm ngoài bài luận chính.

Nhiều bạn học sinh cũng đặt quá nặng tầm quan trọng của bài luận trong hồ sơ đại học Mỹ, mà không hiểu rằng chỉ một bài luận thật tốt không quyết định số phận hồ sơ của các bạn. Các tít báo trích dẫn những bài luận xuất sắc đều có thiên hướng mô tả bài luận như đòn bẩy duy nhất giúp bạn A bạn B vào thẳng một trường Ivy nào đó. Điều này càng khiến học sinh lầm tưởng về sức nặng của bài luận. Với cách xét tuyển toàn diện thì hồ sơ của những thí sinh vào được Ivy đều xuất sắc toàn diện, nên chỉ một bài luận hay chưa đủ làm nên chuyện. Tất nhiên ở chiều ngược lại, bạn không thể viết một bài luận nhạt nhẽo, thiếu ý nghĩa, thiếu trình độ viết và mong đợi hồ sơ của mình khác biệt với hàng nghìn hồ sơ khác.

2. Bài luận bổ sung - Supplemental essays
Nhiều trường đại học công, đại học bang thường không yêu cầu thí sinh viết bài luận bổ sung, có chăng chỉ là một số câu hỏi mang tính thông tin về nguyện vọng và chuyên ngành của thí sinh. Nhưng các trường tư, đặc biệt các trường top 50, 20 thường yêu cầu thêm một loạt các câu hỏi bổ sung (supplemental essays) chỉ dành riêng cho trường của họ, bên cạnh bài luận chính. Một số trường còn coi trọng bài luận bổ sung hơn hẳn bài luận chính và ra câu hỏi đặc biệt hóc búa hoặc kỳ lạ, đòi hỏi tư duy sáng tạo rất cao.
Câu hỏi bổ sung thường cụ thể hơn về phạm vi nội dung nhưng khá đa dạng về chủ đề và số lượng. Một số trường chỉ hỏi thêm đúng một câu với số lượng từ tương đối ngang bằng với bài luận chính (NYU: 500 từ, Cornell: 650 từ), một số trường hỏi một loạt các câu hỏi với độ dài khác nhau từ 50 đến 400 từ (Stanford, UPenn). Tùy vào số lượng trường mỗi thí sinh muốn nộp hồ sơ mà lượng bài viết có thể lên đến hàng chục bài, khiến khối lượng công việc tăng nhiều lần và số lượng từ phải viết lên đến vài nghìn từ. Để trả lời tốt tất cả các câu hỏi này không phải dễ.
Bài luận bổ sung là điểm tử huyệt của rất nhiều hồ sơ. Đây là phần hồ sơ mà các trường đại học dùng để loại thí sinh không phù hợp với cộng đồng sinh viên của trường nhiều nhất. Vì thế dù các câu hỏi bổ sung tưởng chừng dễ trả lời hơn, cụ thể và có định hướng hơn, nhưng thường là điểm yếu nhất của một bộ hồ sơ đại học, đặc biệt là khi bạn nộp vào những trường cạnh tranh nhất nước Mỹ.

3. Bài luận đại học Anh - Personal Statement
Với hồ sơ đại học Anh, thí sinh nộp hồ sơ vào tất cả các trường thông qua một cổng hồ sơ duy nhất UCAS, do đó bài luận này thường được gọi là UCAS PS. Khác hoàn toàn với bài luận đại học Mỹ, bài PS cực kỳ có trọng tâm và cấu trúc, và đối lập với bài luận về văn phong cũng như nội dung. Thí sinh nào nộp hồ sơ cả hai hệ thống phải cẩn trọng khi viết hai loại bài viết không có bất cứ một điểm chung này. Trên trang web của UCAS có phần hướng dẫn viết bài PS rất rõ ràng, bao gồm các câu hỏi gợi ý, các sơ đồ tư duy để giúp học sinh tổ chức bài viết.
Hai điểm khác biệt lớn nhất của bài PS so với bài luận đại học Mỹ là về nội dung và văn phong. Về nội dung, thí sinh bắt buộc phài viết về lý do muốn theo đuổi chương trình đại học và nền tảng học vấn của mình. Nội dung này phải chiếm tối thiểu 70% nội dung, và 30% còn lại có thể viết về những kỹ năng mềm và trải nghiệm cá nhân giúp thí sinh sẽ thành công trong khóa học tương lai. Bất kỳ một chi tiết nào không liên quan đến chương trình học đều phải loại bỏ. Nếu bạn xin học Kinh tế, mà đề cập trong bài viết về huy chương vàng đại hội thể thao toàn quốc môn Teakwondo, sẽ không có bất cứ giá trị nào trong mắt nhà tuyển sinh. Do thí sinh chỉ viết một bài PS và sẽ nộp bài PS này đến tất cả các trường đại học, tuyệt đối tránh đề cập tên bất cứ trường đại học nào trong PS. Về văn phong, thì bài viết này là một tuyên bố cá nhân (personal statement), không phải một bài luận (essay) hay một câu chuyện (story). Vì thế bạn phải sử dụng văn phong mang tính khẳng định, tự tin, chi tiết, và thuyết phục.
Tuyển sinh đại học của Anh quốc dựa hoàn toàn vào thành tích học tập, và bài PS chỉ là một thành phần đủ trong hồ sơ đại học. Trừ vài trường top 5 của Anh có thể xem bài PS quan trọng hơn do phải loại bỏ nhiều thí sinh xuất sắc hơn, hoặc trường hợp bạn nộp hồ sơ xin học bổng, tất cả các trường đại học Anh chỉ yêu cầu bạn viết một bài viết mạch lạc, rõ trọng tâm và thuần thục về ngôn ngữ là đủ. Một bài PS xuất sắc không quyết định bạn đỗ hay không, và một bài PS chưa hẳn xuất sắc cũng không khiến bạn trượt. Điều duy nhất khiến bạn trượt là không đủ điểm đầu vào. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, bạn không nên ỷ lại vào thực tế này mà viết một bài PS cẩu thả.

4. Thư xin học vào các trường đại học châu Âu - Motivational Letter
Các trường đại học châu Âu đại đa số là trường đại học công lập cỡ lớn, có khả năng nhận học lượng sinh viên cao hơn hẳn các trường tư thục cỡ nhỏ ở Mỹ. Điều này khiến điểm sàn đầu vào của họ thường thấp hơn các trường đại học cũng cấp ở Anh và Mỹ. Phương pháp tuyển sinh của họ rất giống với đại học Anh Quốc, nhưng trong bộ hồ sơ, thay vì yêu cầu thí sinh viết một PS, thì họ yêu cầu bạn viết một thư xin học (motivational letter).
Về cơ bản, nội dung thư xin học cũng giống như thư xin việc. Bạn phải viết về lý do vì sao bạn muốn xin học vào chương trình đó, của trường đó, và giải thích rõ ràng vì sao bạn là thí sinh xứng đáng cho suất học này. Về hình thức, do đây là văn bản dạng thư tín, bạn phải viết đúng theo quy định của loại văn bản này từ tiêu đề đến kết thư. Thư xin học vào các trường đại học châu Âu không có quy định cụ thể về độ dài, nhưng thường cán bộ tuyển sinh không muốn bạn viết quá một trang A4. Thư xin học này không có bất kỳ yêu cầu cụ thể nào về cấu trúc, do đó bạn có thể viết một thư làm bản mẫu rồi thay đổi phần thông tin về tên khóa học và tên trường cụ thể cho bộ hồ sơ vào một trường đại học khác.
Cũng như các đại học Anh quốc, thư xin học trong hồ sơ đại học châu Âu không quyết định bạn đỗ hay trượt, nó chỉ là thành phần đủ của bộ hồ sơ và cho thấy bạn có động lực và muốn theo đuổi ngành học đó thực sự. Trừ trường hợp bạn xin học bổng, thì thường sẽ phải nộp thêm một hồ sơ bổ sung, trong đó sẽ có bài luận hồ sơ học bổng, và bài luận này thường là bài essay giống với hồ sơ đại học Mỹ.
Dù bạn nộp hồ sơ đại học theo hệ thống nào và phải thực hiện loại bài nào, kỹ năng viết đòi hỏi sự rèn luyện thường xuyên. Viết, đặc biệt là viết một bài trọn vẹn, với nội dung và tổ chức trọn vẹn, thể hiện tư duy, sự nghiêm túc, và khả năng giao tiếp bằng văn bản và tổ chức ý mạch lạc. Viết được một bài luận đại học chỉ nên là một sản phẩm trong khả năng viết của các bạn, vì dù bạn có đỗ vào một trường đại học danh tiếng hay một trường đại học công lớn, thì bạn sẽ phải viết rất nhiều loại văn bản khác và quan trọng hơn trong quá trình học tập và làm việc.
Tác giả: Cô Dương Mai - Sáng lập viên của PAC Group

Xem thêm các bài viết liên quan: pacgroup.org/chi-tiet-tin/TUYEN-SINH-XET-TUYEN-TOAN-DIEN-HOLISTIC-ADMISSIONS-50451.html



Sự kiện

Video nổi bật

Kết quả kỳ tuyển sinh 2017-2018

# # #