Bỏ qua xếp hạng – Nguyên tắc đầu tiên để chọn trường phù hợp: Kết quả nghiên cứu từ Stanford
Cứ vào khoảng tầm tháng 9-11 hàng năm, lứa học sinh cuối cấp THPT và phụ huynh lại căng thẳng với việc chọn trường và những bộ hồ sơ tuyển sinh đại học. Họ dành không biết bao nhiêu thời gian để đọc hàng chục, hàng trăm tài liệu giới thiệu và website các trường, trò chuyện với bạn bè, thậm chí mất ngủ nhiều đêm để nhìn vào danh sách đánh giá thứ hạng các trường để lựa chọn ra trường tốt nhất.
Vậy nhưng điều gì thực sự làm nên một lựa chọn trường đúng đắn? Có phải lúc nào “xếp hạng cao” cũng đồng nghĩa với “lựa chọn phù hợp” như chúng ta thường nghĩ?
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học giáo dục tại Đại học Stanford đã tìm ra rằng thứ hạng các trường Đại học dựa trên các thước đo không hoàn thiện và không nói lên điều gì về việc liệu sinh viên có thành công trong học tập tại trường và sau này trong cuộc sống sau tốt nghiệp.
Thực tế, khi xét đến bốn khía cạnh chủ chốt mà học sinh và gia đình đánh giá cao, bao gồm khả năng học tập, hạnh phúc, sự hài lòng với công việc và thu nhập tương lai, nghiên cứu cho thấy sinh viên là những người tự quyết định vận mệnh của bản thân họ chứ không phải trường học.
Theo tác giả nghiên cứu, Giáo sư Denise Pope cho biết: “Nghiên cứu chỉ ra rằng những sinh viên thành công nhất khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ngoài xã hội là những người thực sự có những trải nghiệm đại học tuyệt vời bất kể thứ hạng của trường. Điều này hoàn toàn đúng kể cả khi một sinh viên theo học tại một trường xếp hạng đầu hay một trường chỉ đứng thứ hạng 200.”

Phương pháp nghiên cứu
Trong báo cáo của mình, Pope và các đồng nghiệp đã rà soát lại hàng chục nghiên cứu về giáo dục đại học Hoa Kỳ trong những năm gần dây với mong muốn đưa ra những hiểu biết về ba lĩnh vực quan trọng: phương pháp đánh giá đằng sau các xếp hạng, định nghĩa về thành công của sinh viên, và ý nghĩa thực sự của “lựa chọn phù hợp” khi chọn trường.
Giống như nhiều nhà phân tích khác, Pope chỉ ra vấn đề cốt lõi của các xếp hạng trường nằm ở phương pháp đánh giá thay đổi thường xuyên từ năm này qua năm khác. “Các con số đánh giá đằng sau các xếp hạng ngày càng có xu hướng dễ đạt được, thiếu chính xác và tùy ý”, trích lời tác giả nghiên cứu.
Pope lấy ví dụ hai thước đo được sử dụng bởi U.S. News & World Report để xếp hạng các trường là tỉ lệ tốt nghiệp và danh tiếng, hai thước đo này chiếm gần nửa tổng số điểm chấm điểm một trường. Nghiên cứu của Pope cho thất tỉ lệ tốt nghiệp ít có liên quan đến trường Đại học, mà thường dựa nhiều hơn vào hoàn cảnh cá nhân của sinh viên, chẳng hạn như thu nhập của gia đình. Danh tiếng cũng không phải một thước đo tốt bởi theo Pope, mặc dù danh tiếng vốn được sử dụng nhằm phản ánh chất lượng giảng dạy, khả năng theo dõi sự biến động hàng năm trong chất lượng giữa các trường bởi ban quan trị trường và các cố vấn giáo dục THPT được khảo sát là rất thấp.
Báo cáo nghiên cứu cũng phân tích các thước đo có vấn đề khác như quy mô lớp học và trình độ giáo dục của đội ngũ giáo viên. Theo Pope, vẫn chưa có một tập hợp các thước đo thống nhất hay một phương pháp khoa học để đanh giá các xếp hạng trường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy gì?
Phần lớn các nghiên cứu về kết quả giáo dục đại học chỉ nhìn vào khả năng thu nhập, bao gồm các cơ hội nghề nghiệp và thu nhập lâu dài. Kết quả các nghiên cứu này không thống nhất,một phần bởi vì các nhà nghiên cứu chưa có định nghĩa chung về “mức độ chọn lọc – selectivity” và cách để đo lường nó. Đối với một vài nhà nghiên cứu, các trường có mực chọn lọc khó bao gồm các trường chấp nhận tỷ lệ phần trăm cao và thấp các ứng viên.
Báo cáo nêu rõ hai kết quả quan trọng từ các nghiên cứu về thu nhập: Mặc dù số liệu cho thấy các lợi ích thu nhập tài chính cao hơn không đáng kể khi học một trường “xếp hạng đầu/ top-ranked”, khoảng cách lớn nhất trong thu nhập lại xuất hiện giữa các sinh viên tốt nghiệp từ cùng trường, bất kể trường đó xếp hạng cao hay thấp.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất là các sinh viên thuộc các gia đình thiểu số thu nhập thấp và là người đầu tiên học đại học của gia đình sẽ có thu nhập cao hơn đáng kể khi học tại các trường top đầu so với sinh viên tốt nghiệp từ các trường khác.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu cũng lưu ý rằng thu nhập tương lai không phải là tất cả khi học đại học. Các sinh viên cho biết họ học đại học vì nhiều lý do khác như để nâng cao kiến thức, có một cuộc sống tốt hơn và tìm kiếm được nghề nghiệp phù hợp. Nghiên cứu cũng cho thấy việc sinh viên học ở trường Đại học nào không quan trọng bằng mức độ trải nghiệm cuộc sống sinh viên. Ví dụ, các sinh viên theo học cao đẳng cộng đồng mà học tập chăm chỉ và gây dựng được các mối quan hệ tốt với các giáo sư thường phát triển hơn nhiều khi họ ngồi trên ghế nhà trường hay sau khi tốt nghiệp cho dù họ có theo học trường top đầu hay không.
Theo Pope, “Liệu một người thành công phụ thuộc vào trường đại học? Không hề. Ngay cả từ góc nhìn logic, các tính cách cá nhân mới là điều làm nên sự khác biệt.”
Nghiên cứu đưa ra hai kết luận quan trọng: Thứ nhất, sinh viên cần bỏ qua thứ hạng của trường để tìm các chương trình thực sự “phù hợp” với họ - có thể phù hợp bởi chương trình học thuật, các gói hỗ trợ tài chính, địa điểm trường hay các cơ hội tình nguyện. Thứ hai, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về các giả đình thường thấy về đại học, bao gồm câu hỏi liệu việc học ở một trường top đầu có gia tăng khả năng tiếp cận đến giới tinh hoa.
Nguồn: Stanford (https://ed.stanford.edu/news/first-step-choosing-right-college-ignore-rankings-says-stanford-researcher)