21 ĐIỀU SINH VIÊN NÊN BIẾT TRƯỚC KHI NHẬP HỌC
Chúng tôi gợi ý 21 điều bạn ước gì mình được biết trước khi học đại học.

Bắt đầu cuộc sống sinh viên thật sự rất vui, tràn trề hứng khởi và hứa hẹn. Bạn đang tiếp cận một bầu trời tri thức, gặp vô số những con người mới mẻ giỏi giang, và đang từng bước mở đường tiến tới tương lai của mình
Có thể nói những năm đại học là những năm tuyệt diệu nhất đời bạn, nhưng niềm vui cũng có thể làm bạn dễ mất phương hướng và tập trung. Bài viết dưới đây là chia sẻ của các sinh viên ngành kỹ sư về những điều nên biết trước khi bắt đầu những năm tháng đại học, bảo đảm một khoảng thời gian học tập và trải nghiệm tuyệt vời, hiệu quả nhất!
1. KHÔNG CÓ CÂU HỎI NÀO LÀ CÂU HỎI NGỚ NGẨN!
Bạn đến trường là để học! Vì thế, việc thắc mắc khi chưa hiểu là hết sức bình thường. Một vài giáo sư có thể khiến bạn cảm thấy e dè, nhưng nếu chỉ vì sợ mà không dám mở miệng ra hỏi thì bạn đang làm mất cơ hội học hỏi của chính mình.
Mỗi người có khởi đầu khác nhau và bạn đương nhiên không phải biết mọi thứ ngay ngày đầu tiên. Nếu thấy không chắc chắn thì hãy hỏi! Rồi sau này bạn sẽ phải cảm ơn chính mình vì đã dám đặt câu hỏi.

2. VIỆC GIAO LƯU QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM VIỆC HỌC
Hiển nhiên việc học cực kỳ quan trọng nhưng nếu không muốn mình bị gạt ra bên lề trong các hoạt động hay sự kiện ở trường, bạn phải ra ngoài giao lưu và gặp gỡ mọi người. Việc giao lưu không chỉ giúp bạn giải toả căng thẳng do học tập mà còn xây dựng kỹ năng giao tiếp xã hội. Điều này sẽ có ích cực kỳ khi bạn tốt nghiệp ra trường và đi làm.
3. TẠO MẠNG LƯỚI QUAN HỆ KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ SỚM
Việc giao lưu, tạo quan hệ xã hội sẽ giúp các bạn tiếp cận cơ hội việc làm trong tương lai và là cơ hội để giới thiệu bản than, khiến mọi người biết đến.

4. ĐỪNG ĐỐT CHÁY BẤT CỨ MỐI QUAN HỆ NÀO
Sẽ có những lúc bạn phải làm việc với những người mình không ưa hoặc khó hoà hợp. Tuy nhiên, dù có vấn đề gì đi chăng nữa, bạn mới là người quyết định việc có bứt mình vượt lên trên những khó chịu đó hay không. Dĩ nhiên, việc phải cư xử hoà hợp với những người mình không thích không hề dễ chịu, nhưng đây là dịp để bạn làm quen và rèn luyện cảm xúc của mình cho cuộc sống sau này. Không phải cứ không ưa sếp hay đồng nghiệp là có thể bỏ việc được. Hơn nữa, hoà hợp với các giáo sư sẽ giúp các bạn kiếm được một lá thư giới thiệu quý báu khi đi xin việc hay học lên bậc cao hơn.
5. KHI CẦN HÃY NHỜ GIÚP ĐỠ
Lẽ tự nhiên, bạn sẽ muốn tự mình làm mọi thứ nhưng chúng ta đều có giới hạn của mình. Nếu bạn phải đánh vật với việc gì đó, hãy nhờ giúp đỡ. Điều này bớt cho bạn bao nhiêu căng thẳng về lâu về dài và việc nhún mình xin trợ giúp chẳng có gì là sai cả.
6. CÓ THỂ BẠN SẼ KHÔNG DÙNG TỚI MỌI THỨ ĐÃ HỌC – NHƯNG VẪN CẦN PHẢI HỌC
Trong suốt các năm đại học, có thể đôi khi kiến thức sẽ quá nhiều và bạn có thể cảm giác một số kiến thức chưa thực sự cần thiết.
Hầu hết các công việc bạn có thể làm trong tương lai không cần dùng tới mọi kiến thức đã học ở bậc đại học, nhưng điều này khôg có nghĩa bạn có thể bỏ một vài lớp học xét thấy không cần thiết. Mọi điều học được sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc cho công việc.
7. CẦN SÁNG TẠO VÀ THÚC ĐẨY BẢN THÂN
Nếu bạn không hiểu điều gì đó và cũng không tìm thấy câu trả lời trong lớp học, hãy tự tìm lấy câu trả lời. Đừng đợi ai đó đến nói cho bạn biết, điều này sẽ không bao giờ xảy ra đâu. Trường học có thư viện nên hãy tận dụng tối đa. Cho mọi người thấy bạn có khả năng làm việc độc lập và thể hiện sự quan tâm thực sự đối với ngành học của mình, bạn sẽ làm mình nổi bật trước đám đông.
8. BẠN KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ YÊN ỔN NẾU CHỈ “VỪA ĐỦ TỐT”
Sẽ có lúc bạn kiệt sức vì mệt mỏi căng thẳng vì bài tập. Trong hoàn cảnh đó, bạn có thể dễ dàng chấp nhận một phương án có vẻ đúng cho dù bạn chưa thực sự hiểu thấu đáo. Đừng bao giờ buông mình dễ thế.
Việc biết một câu trả lời đúng là chưa đủ. Sau này khi đi làm, bạn cần phải giải thích và bảo vệ được phương án kỹ thuật mình đưa ra. Vì thế, phải hiểu rõ những phức tạp trong công việc của mình, dừng bao giờ dựa vào võ đoán.
9. ĐỪNG LO ĐẾN VIỆC PHẢI VÀO ĐƯỢC TRƯỜNG “TỐT NHẤT”
Dĩ nhiên, các trường đại học danh giá sẽ rất hấp dẫn và có thể là điểm gây ấn tượng trên lý lịch, nhưng đây không phải là lựa chọn duy nhất. Đặc biệt trong ngành kỹ sư, các nhà tuyển dụng tương lai có thể sẽ quan tâm hơn đến những dự án và thành tựu đã đạt được hơn các vấn đề về danh tiếng.

10. ĐỪNG GIỚI HẠN KỸ NĂNG CỦA MÌNH CHỈ Ở LĨNH VỰC KỸ SƯ
Khi bắt đầu làm việc, có thể bạn sẽ thấy mọi thứ khác xa những gì mình từng nghĩ. Có khi bạn phải ngồi lì bên bàn giấy phần lớn thời gian, vì thế hãy chuẩn bị trước dần đi. Word, Excel hay các công cụ tin học văn phòng khác cần phải thành thạo.
11. KHÔNG PHẢI CỨ TỐT NGHIỆP XONG LÀ CHẮC CHẮC KIẾM ĐƯỢC VIỆC
Mặc dù các lĩnh vực STEM chắc chắn ổn định hơn nhiều so với các ngành khác trên thị trường lao động, nhưng không có nghĩa cứ học ngành này ra là ngay lập tức có được việc làm. Có nhiều sinh viên ngành Kỹ sư ra trường đã vỡ mộng chỉ vì chưa kiếm được việc làm ngay. Vì thế, đừng học ngành Kỹ sư chỉ vì bạn nghĩ nó sẽ giúp mình kiếm việc. Hãy học vì thực sự say mê với nghề!
12. NẾU THẤY KHÔNG VUI, TỨC LÀ BẠN ĐÃ NGỒI NHẦM CHỖ
Trường đại học không phải lúc nào cũng vui vẻ, đầy trò chơi, các khoá kỹ sư thì khó nhằn khét tiếng. Mặc dù có những lúc việc học làm bạn căng thẳng nhưng nhìn chung bạn vẫn cần phải thấy hứng thú với việc học hành. Nếu có lúc nào đó bạn nhận ra ngành học này không phù hợp và khoá học làm mình căng thẳng thì hãy cân nhắc lại để thay đổi. Nói cho cùng, nếu bạn không hứng thú học ngành này thì có lẽ bạn cũng sẽ không cam kết gắn bó được với nghề.
13. TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Có những bài học tốt nhất lại đến từ ngoài trường học. Dù là đi thực tập hay chỉ là những sở thích cá nhân thách thức kỹ năng, điều quan trọng là bạn có dịp để thực hành những gì mình đã học. Trải nghiệm thực tế giúp bạn hiểu hơn về những gì đã học.
14. CẦN PHẢI TRỞ THÀNH MỘT THÀNH VIÊN TRONG NHÓM
Dù bạn có thể thường xuyên làm việc một mình trong quá trình học, thế giới công việc thực tế sau này đòi hỏi bạn phải làm việc theo đội nhóm. Điều này có thể có nghĩa là bạn phải đương đầu với những người có cách thức tiếp cận công việc khác bạn hoàn toàn.
Tận dụng việc làm việc trong đội nhóm để học cách giao tiếp và thoả hiệp. Nói chung, khả năng bạn được quyền kiểm soát hoàn toàn công việc của mình rất hiếm hoi. Vì thế, điều cốt yếu là cần phải học cách làm việc thuận hoà với mọi người.

15. CHẲNG AI QUAN TÂM ĐIỂM SỐ TRUNG BÌNH GPA CỦA BẠN
Dĩ nhiên ở trường học thì duy trì điểm GPA cao rất quan trọng, nhưng điểm số hoàn hảo không phải tất cả. Sau khi bạn tốt nghiệp và đi làm, chủ lao động quan tâm nhiều hơn đến các dự án và kỹ năng thiết thực của bạn hơn là các điểm A trong bảng điểm.
16. CHIÊM NGHIỆM VỀ NHỮNG GÌ GIÚP THÚC ĐẨY, KHƠI GỢI BẠN
Hãy đặt câu hỏi về bản thân và mục tiêu và tự tìm hiểu chính mình để trả lời. Bạn là ai? Bạn có vai trò lãnh đạo dẫn dắt không? Điều gì khiến bạn không giống những cá nhân được coi là anh hùng hay tấm gương? Bạn phải làm gì để được như họ?...
Tìm hiểu, khám phá những điều giúp thúc đẩy, khơi gợi nỗ lực phấn đấu cho bạn và từng bước lập kế hoạch đạt mục tiêu bạn đã đề ra.
17. BẮT ĐẦU XÂY DỰNG BỘ HỒ SƠ CỦA MÌNH CÀNG SỚM CÀNG TỐT
Bộ hồ sơ portfolio sẽ là công cụ mạnh nhất giúp bạn kiếm được việc. Vì thế hãy lập tài liệu thật chi tiết cho mọi dự án bạn làm. Vạch đề cương rõ ràng cho các việc đã đảm nhận và ghi chú những điều bạn đã học từ dự án. Bằng cách này, bạn sẽ phô bày các kỹ năng mình có cho người sử dụng lao động khi đi xin việc.
18. GHI CHÚ HIỆU QUẢ VÀ THEO SÁT NHỮNG GHI CHÚ ĐÓ.
Đừng vất các ghi chú của bạn khi học kì hay năm học kết thúc mà hãy giữ chúng trong suốt khoá học. Bạn sẽ không bao giờ biết được những mẩu ghi chú đó sau này có ích thế nào hay những gì học từ năm trước giờ lại áp dụng được vào dự án đang thực hiện. Sắp xếp tổ chức tốt giấy tờ ghi chép của mình và điều này sẽ tiết kiệm bạn rất nhiều thời gian và công sức.
19. NHÌN XA HƠN LĨNH VỰC MÌNH MUỐN HỌC
Bạn muốn trở thành kỹ sư điện và vì thế nên chỉ tập trung vào các lớp học chuyên môn tương ứng? Sai hoàn toàn. Bạn cần tạo nền tảng rộng hơn cho mình bằng cách tham gia vào các lớp học khác ngoài lĩnh vực chính. Sau này khi đi làm, bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên khi chính kiến thức từ các lớp học thêm ấy lại áp dụng hiệu quả trong công việc, giúp bạn hiểu hơn về các kỹ sư khác và việc họ đang làm.
20. ĐỪNG LƯỜI BIẾNG TRÔI QUA MÙA HÈ
Hiển nhiên mùa hè là dịp để xả hơi, nhưng hãy sử dụng thời gian rảnh thật thông minh bạn nhé. Nếu đã biết năm học tới có rất nhiều yêu cầu đọc sách, tại sao không bắt đầu đọc ngay từ trước khi học kỳ mới thực sự bắt đầu?
21. SỬ DỤNG INTERNET ĐỂ TẠO LỢI THẾ
Có cả một bầu trời tri thức trên mạng có thể hữu ích khi bạn đang đánh vật với bài vở. Từ các bài giảng trên YouTube tới các mẩu phát thanh, các nguồn bổ trợ cho việc học hành chưa bao giờ thiếu thốn.
Vậy nếu bạn lỡ bỏ một buổi học hay cảm thấy khó hiểu về một bài nào đấy, lên mạng và tìm kiếm bạn sẽ thấy được giúp đỡ.
Nguồn: https://interestingengineering.com/21-things-engineering-students-wished-they-knew-when-they-started-university?fbclid=IwAR17616n9-m7miC7aC3KOmu26VVxk-lT2JQZbpYFIa1KHnS56zKGypClv84